THỊ TRƯỜNG TRANH TỪ 1996 TRỞ ĐI

THỊ TRƯỜNG TRANH TỪ 1996 TRỞ ĐI

Từ 1996 đến nay, các gallery đều than phiền, nhiều gallery phá sản, thị trường trì trệ. Điều đó, một phần xuất phát từ cuộc khủng hoảng tiền tệ bùng nổ ở Đông Nam Á làm giảm khả năng tài chính của người chơi tranh một phần.

Cũng có phần xuất phát từ hệ thống gallery không được chuyên nghiệp hóa hay vai trò của việc bảo trợ giới thiệu nghệ thuật của các cơ quan có thẩm quyền và các hiệp hội. . . , nên họ phải chịu hậu quả lây lan từ việc suy thoái nhanh chóng của thị trường mỹ thuật. Dĩ nhiên trong thực tế một số họa sĩ nổi tiếng và có uy tín vẫn bán được tranh với giá cao. Sự suy thoái này còn có phần nằm trong sự thay đổi cách nhìn về mỹ thuật của thành phố. Người chơi tranh bớt hiếu kỳ và không còn thấy lạ với tranh Việt Nam, mà họ muốn nhìn thẳng vào mỹ thuật Việt Nam như một loại hình nghệ thuật có bản sắc riêng. Thêm vào đó, người chơi tranh các nhà sưu tập cũng không còn tin vào sự sáng tạo của một số họa sĩ Việt Nam, bởi sự đa tạp, thật giả lẫn lộn của nghệ thuật Việt Nam. 

 

Nói chung từ khi mở cửa, tranh của Việt Nam bán được nhiều, nhưng đó mới chỉ là số lượng, còn chất lượng thì phải xem lại và bản thân những tác phẩm bán được đó chưa chắc đã có ý nghĩa về mặt văn hóa, hay đúng hơn là về mặt nghệ thuật mà chỉ mang tính thương mại, đáp ứng thị trường mà thôi. Và đó chỉ là sự khôn ngoan tức thời thích ứng với nhu cầu của thị trường du lịch đang phát triển bành trướng trên diện rộng và đối tượng phục vụ phần lớn là hướng đến đối tượng khách hàng nước ngoài qua Việt Nam du lịch. Sự tràn ngập tranh thương mại đã sinh ra những thành kiến, những suy nghĩ không tốt về nền mỹ thuật nước nhà. 

 

Từ đó các gallery ở thành phố đang cố gắng chuyên nghiệp hóa nhưng đến nay tiêu chí chuyên nghiệp của gallery vẫn chưa được xác định rõ ràng mà vẫn chỉ đứng lại ở giới hạn bán tranh. Nhiều chủ gallery, các nhà sưu tập cho rằng ở Việt Nam vì sự mua bán tranh phần lớn là do tự túc của các họa sĩ và họ thật sự thích thú kiểu mua bán này, khiến việc mua bán nằm ngoài tầm tay của các cơ quan chức năng. Mặt khác nhiều họa sĩ không hiểu biết về thị trường nên có khi bán phá giá khi cần thiết, còn các gallery muốn độc quyền trong việc mua bán nhưng không đáp ứng được cuộc sống của họa sĩ. Vì thế mà hoạt động gallery ở thành phố chưa thể trở thành chuyên nghiệp. Sự yếu kém về chuyên môn, dẫn đến việc không nhìn ra tài năng cũng như sự yếu kém hay chất lượng nghệ thuật mà họa sĩ sáng tạo. Tiếp thị kém nên sản phẩm không được giới thiệu ra khỏi phạm vi quốc gia. Việc kinh doanh nhập nhằng khiến thị trường mỹ thuật trong nước trở nên hỗn độn. Cần lưu ý rằng các gallery nước ngoài rất chú trọng đến những vấn đề nói trên nên các tác phẩm thực sự có giá trị của Việt Nam bán được và có giá phần lớn đều thông qua hệ thống gallery nước ngoài. 

 

Ngoài một số họa sĩ nổi tiếng tự tìm được sự thỏa thuận riêng với các galerry ở nước ngoài, việc mua bán tranh giữa họa sĩ và người mua tranh chủ yếu thông qua các galerry trong nước. Tài liệu Đại hội Đại biểu Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ V (2005 – 2010) chia các gallery làm ba nhóm: 

 

Nhóm 1, các gallery chuyên bán tranh giá trị cao và đặc biệt là của các tác giả đã mất, khách hàng của nhóm này thường là những nhà sưu tập chuyên nghiệp, những người am hiểu nghệ thuật và giàu có . . Nhưng nhóm này ngày càng xa dần với thị trường và có xu hướng thu hẹp quan hệ. Lý do chính là do nhu cầu thưởng ngoạn và nghiên cứu giá trị nghệ thuật của công chúng gần như không có. Các địa chỉ sưu tập không được giới thiệu, quảng cáo có tính hệ thống trong công chúng. Sự hợp tác, quan hệ, trao đổi kinh nghiệm giữa các gallery và các nhà sưu tập gần như không có, các quan hệ chỉ dừng lại ở quan hệ ngoại giao “ đèn nhà ai nấy rạng ” . . . Tình trạng nói xấu để tranh giành khách hàng ngày càng tệ hại . . . 

 

Nhóm 2, là nhóm gallery phát triển rầm rộ nhất, sự hơn kém là về ý thức, trình độ kinh doanh chứ không phải về trình độ cảm thụ và thẩm định nghệ thuật. Khách hàng được nhắm tới đa số là khách du lịch, khách mua tranh lẻ để trang trí , làm quà lưu niệm . . . Với những đặc điểm như vậy, các gallery này không có tác động gì tới sự phát triển của nền mỹ thuật, đến sự khích lệ cho sáng tạo, tìm tòi của các nghệ sĩ. Hoạt động triển lãm của họ cũng nhằm vào lợi nhuận trên cơ sở hợp tác “ hai bên cùng có lợi ” giữa họa sĩ và chủ gallery. Tóm lại nhóm gallery này “ sống ” hay “ chết ” là do khách hàng và thị trường quyết định. 

 

Nhóm 3, là nhóm gồm các gallery có hoạt động chuyên nghiệp hơn, kết quả hơn. Chủ các gallery này là người có hoạt động thực tiễn trong việc kinh doanh văn hóa phẩm, có mối quan hệ tốt với các họa sĩ và thường xuyên liên lạc với Hội Mỹ thuật Thành phố. Hoạt động của họ cũng như tổ chức triển lãm có sự hợp tác chặt chẽ với các họa sĩ, có những triển lãm mang tính chuyên môn, có mục đích nghệ thuật.

 

Trích từ 100 câu hỏi đáp về mỹ thuật ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh