TÌM LẠI NÉT ĐẸP HÀ NỘI XƯA TRONG BỘ SƯU TẬP CỦA BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

TÌM LẠI NÉT ĐẸP HÀ NỘI XƯA TRONG BỘ SƯU TẬP CỦA BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang sở hữu trong bộ sưu tập khoảng 25 tác phẩm hội họa, đồ họa bằng các chất liệu đa dạng như: sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, chì, khắc gỗ… về đề tài Hà Nội của các họa sĩ nổi tiếng.

 

Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng sáng tác, là đề tài hấp dẫn trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ văn học, âm nhạc đến sân khấu, điện ảnh… Đặc biệt, trong mỹ thuật, với tình cảm thiêng liêng dành cho Hà Nội các họa sĩ đã sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật giá trị, đậm chất hiện thực, khắc họa những hình ảnh sống động, chân thực và sâu sắc về Thủ đô. 

 

NGUYỄN PHAN CHÁNH – Chợ Kim Liên. 1957. Lụa – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Với ngôn ngữ tạo hình phong phú mang phong cách, dấu ấn riêng cùng với trái tim và tình cảm sâu sắc dành cho mảnh đất “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, các họa sĩ đã đưa người xem về với những ngày tháng lịch sử, khi Hà Nội kiên cường, anh dũng ngày đầu kháng chiến, kìm giữ, giam chân, tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày tháng giành chiến thắng, thủ đô hoàn toàn được giải phóng 10/10/1954, không khí náo nức rộn ràng của khung cảnh Hà Nội trong các dịp lễ hội, hay nét hào hoa, thanh lịch và vẻ đẹp lao động của người Tràng An sau những ngày đầu hòa bình được thiết lập.

 

NGUYỄN VĂN TỴ – Ngã Tư Sở. 1947. Chì. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Trong bộ sưu tập ấy, ta có thể tạm chia các tác phẩm thành 3 thời kỳ: 1946 - 1954, 1954 - 1975 và sau 1975. Những tác phẩm sáng tác thời kỳ 1946-1954, giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp, sớm nhất có thể kể đến là tác phẩm “Phố Hà Nội” của Bùi Xuân Phái. Ông đã vẽ một Hà Nội vắng lặng, một Hà Nội yên tĩnh đến lạ thường. Thấp thoáng trung tâm bức tranh là một chiến sĩ cảm tử Thủ đô, người xem có thể đoán được thời điểm xảy ra trong bức tranh là vào những ngày cuối tháng 12 năm 1946, sau khi Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Bức tranh vẫn mang nét đặc trưng “phố Phái” đã thành thương hiệu của ông, nhưng cũng gửi gắm trong đó tinh thần bất khuất, đấu tranh cho nền độc lập non trẻ của toàn dân, toàn quân ta. 

 

Bức ký họa chì “Ngã Tư Sở” của Nguyễn Văn Tỵ cũng mang đúng tinh thần như vậy, Hà Nội của ông ngổn ngang bề bộn, nhưng cái ngổn ngang bề bộn ấy là sự sắp đặt có chủ đích của người dân Hà Nội giúp ngăn bước tiến của thực dân Pháp. Bức tranh được sáng tác năm 1947, có lẽ trong thời điểm họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đang ở tại chiến khu Việt Bắc, nỗi nhớ Hà Nội cứ day dứt trong lòng người họa sĩ để rồi được ông thể hiện trên những nét vẽ. 

 

Bảo tàng cũng sưu tập được bức màu nước “Phố Hàng Đồng” của Công Văn Trung năm 1948, đánh dấu sự chuyển mình trong nghệ thuật của ông cũng như những họa sĩ từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ chỉ đi theo và tôn vinh cái đẹp thuần khiết và lý tưởng, họ đã đi theo tiếng gọi của dân tộc, của đất nước, phản ánh những hiện thực cuộc sống đang diễn ra trước mắt. 

 

Họa sĩ Lê Thanh Đức có tác phẩm “Hà Nội đêm giải phóng” sáng tác năm 1954, sau ngày giải phóng 10/10. Bức tranh rực rỡ sắc màu, thể hiện niềm hân hoan, chào đón, chia vui của nhân dân Hà Nội và các chiến sĩ giải phóng. Niềm vui sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, Hà Nội đã được giải phóng và là bước đệm để miền Bắc hoàn toàn được giải phóng năm 1955.

 

NGUYỄN TIẾN CHUNG – Hòa bình lập lại. Bột màu. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Những tác phẩm sáng tác thời kỳ 1954 - 1975, tinh thần chung của thời kỳ này là mang âm hưởng tươi vui, bình yên, một Hà Nội giải phóng tươi mới và nhịp sống và làm việc dần quay trở lại, nhưng dưới khung cảnh nhân dân được hít thở không khí tự do và làm chủ cuộc đời mình. Có thể kể đến một số tác phẩm như bức sơn mài “Xuân Hồ Gươm” (hay còn có tên “Giao thừa bên Hồ Gươm”) của Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1957, bức sơn mài “Đan len” của Trần Văn Cẩn sáng tác 1957- 1961, bức sơn dầu “Trong lò than Nhà máy điện Yên Phụ” của Trần Đình Thọ năm 1958. Nguyễn Phan Chánh có 2 tranh lụa sáng tác năm 1957 là “Chợ Kim Liên” và “Trong công viên Thống Nhất” năm 1964, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc có tranh “Phố Hàng Đường” sáng tác năm 1960. Ngoài ra, họa sĩ Lê Quốc Lộc có một tranh sáng tác về đề tài kháng chiến cũng rất ấn tượng là bức “Kháng chiến (cảnh tiêu thổ)”, ông sáng tác bức sơn mài này năm 1960.

 

QUANG PHÒNG – Thủ đô Kháng chiến. 1999. Sơn mài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Trong bộ sưu tập tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn sau 1975 ngoài trừ những tác giả đã thành danh còn có cả những họa sĩ thời kỳ mới tiêu biểu có Lê Anh Vân, Lương Xuân Đoàn, Trần Khánh Chương, Đinh Lực… Đề tài được mở rộng hơn với những cái nhìn tươi mới hơn sau thời kỳ đất nước hoàn toàn được giải phóng, Nam Bắc về một nhà. 

 

Đầu tiên phải kể đến tác phẩm “Ô chợ Dừa ngày giải phóng”, khắc gỗ của họa sĩ Trịnh Thiệp sáng tác năm 1976, “Chiến lũy” của Lê Anh Vân, sơn dầu sáng tác năm 1984, “Giải phóng Thủ đô”, Đinh Lực, Khắc gỗ, 1984, “Ngày vui giải phóng” của Trần Khánh Chương, Khắc thạch cao, 1986, “Đền Ngọc Sơn”,Trần Đình Thọ, Lụa, 1984, “Thăm Văn Miếu” của Bùi Xuân Phái, Sơn dầu, 1984, “Hà Nội của tôi” của Lương Xuân Đoàn, sơn dầu,1984, “Thủ đô Kháng chiến”, Nguyễn Quang Phòng, sơn mài, 1999…

 

TRẦN ĐÌNH THỌ – Đền Ngọc Sơn. Lụa. 1984. Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

 

Bộ sưu tập tranh về Hà Nội của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có giá trị nghệ thuật hết sức to lớn không chỉ riêng với Hà Nội. Đây là nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá, được các thế hệ họa sĩ lưu giữ lại nhằm truyền tải thông điệp lớn lao hơn là hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất, hy sinh của dân và quân ta tròn 70 năm về trước, là bài học hun đúc thêm tình yêu của thế hệ trẻ góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng trở nên tươi đẹp.



CÁT (Tổng hợp)