ĐƯA NHỮNG TÊN TUỔI CỦA MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG ‘SỐNG LẠI’
MỞ KHO "DÒNG TRANH" ĐÔNG DƯƠNG
Đầu tháng 3, Annam Gallery và Lân Tinh Foundation khiến người yêu mỹ thuật phương Nam mãn nhãn với triển lãm Nhành hương xưa của cố họa sĩ Tú Duyên (1915 - 2012) tại Annam Gallery (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP Hồ Chí Minh). Khán giả thích thú khi gặp lại 18 tác phẩm, gồm những sáng tác trên chất liệu lụa cùng với loạt tranh ứng dụng kỹ thuật thủ ấn họa danh tiếng của cố họa sĩ một thời.
Họa sĩ Tú Duyên tên thật là Nguyễn Văn Duyến, nghệ danh của ông đúng ra là Tứ Duyên (đọc lái của chữ Duyến Tư - ghép giữa tên ông và tên người bạn học rất thân Đỗ Văn Tư), nhưng khách mua tranh của ông đọc quen thành Tú Duyên. Từ năm 1935 - 1938, ông thi đậu và theo học lớp dự bị tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1939, ông gác việc học và cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn, đánh dấu sự nghiệp bằng cột mốc sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa - loại hình ấn mộc bản cải biên từ tranh khắc gỗ dân gian của Việt Nam, có sự khác biệt về công dụng và mang tính nghệ thuật cao.
Các tác phẩm của họa sĩ Tú Duyên mang đến cho người xem cả một vườn hoa khoe sắc thắm với những loại hoa ông yêu thích: hoa sen, hướng dương và loa kèn. Các loài hoa trên cũng chính là ẩn dụ cho vẻ đẹp và sự tao nhã, nét dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ khi Tú Duyên khéo léo ghép đôi hình ảnh hoa cùng người phụ nữ Việt xinh đẹp trong tà áo dài duyên dáng ở nhiều khung cảnh khác nhau; họ đang thả hồn qua những nhạc khúc, giai điệu xưa được tấu bởi nhạc cụ tiêu biểu cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam như đàn tranh, đàn nguyệt, hay đàn tỳ bà.
Cùng trở lại với tài hoa Tú Duyên, trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024, bộ tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ hiện đại của hội họa Việt Nam: "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái", đã ra mắt công chúng đầy ấn tượng.
Nhà sưu tập Lý Đợi cho biết: "Trong lần hiếm hoi được gặp Nguyễn Tư Nghiêm, tôi hỏi hình tượng con rồng từ đâu mà có? Vì sao ông vẽ đi vẽ lại con rồng, vẽ nhiều nhất trong 12 con giáp? Nguyễn Tư Nghiêm từ tốn trả lời: "Về ý thì từ các lạc khoản trong thư pháp, còn về hình thì chủ yếu từ con rồng thời Lý. Tôi vẽ đi vẽ lại vì muốn đến gần hơn hồn dân tộc, làm cho nó tươi mới hơn".
Nguyễn Tư Nghiêm từng học khóa 15 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Học đến năm thứ 3, ông tạo dấu ấn lớn với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu giành giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Bộ tranh 12 con giáp lấy cảm hứng từ bức chạm gỗ cổ Mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được họa sĩ sáng tác trong giai đoạn từ năm 1993 - 2011, trên chất liệu bột màu và màu nước giấy dó, thuộc bộ sưu tập tranh của pianist Trần Lê Bảo Quyên.
"Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ như một "đồ vật" mỹ thuật vàng son Đông Dương thuộc quá khứ, mà như một sự suy tư văn hóa thị giác vẫn đang tạo tác động đương đại vào hiện tại. Ý nghĩa thứ hai: Ông không chỉ là một "họa sĩ", dù là họa sĩ bậc thầy, mà còn là một giọng điệu văn hóa rất quan trọng trong cuộc đối thoại văn hóa Đông Tây ở tầm mức thế giới chưa bao giờ ngừng nghỉ", giám tuyển Nguyễn Như Huy khẳng định.
NHIỀU CƠ HỘI TỐT ĐỂ TIẾP CẬN TRANH QUÝ
Thủ ấn họa khi so sánh với tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống - những dòng tranh ấn mộc bản dân gian VN thật khác biệt, là một sự cách tân đầy tính sáng tạo của Tú Duyên. Nếu tranh Đông Hồ cần mỗi bản in (bản dương) cho mỗi màu in và phải in chồng để phối màu và tranh Hàng Trống phải dùng bút lông tô nét đậm nhạt sau mỗi bản in khắc nháp, thì tranh khắc gỗ của Tú Duyên chỉ sử dụng duy nhất hai bản khắc: bản âm (bản màu) khắc chìm với nét khắc sâu, đủ nét nhưng không đậm với chủ đích tạo phông nền; và bản dương (bản nét) khắc nổi tạo độ đậm nhạt cho từng đường nét của tranh. Đặc biệt, tuy chỉ dùng hai bản khắc, họa sĩ có thể in được rất nhiều màu khác nhau. Vì vậy mà việc được tiếp cận tranh của Tú Duyên là cơ hội hiếm có cho những người làm nghề.
Một nhà nghiên cứu mỹ thuật nhận xét: "Đề tài trong tranh được Tú Duyên rút tỉa từ ca dao - tục ngữ, từ danh nhân lịch sử, từ Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm… Đặc biệt, ông dành một vị trí thanh tao và thơ mộng cho hình ảnh phụ nữ VN. Sau khi ông mất, khi cái nhìn về lịch sử mỹ thuật và tranh đồ họa có nhiều cởi mở hơn và công bằng hơn, vị trí của Tú Duyên và thủ ấn họa ngày càng được chú ý, trân trọng".
Với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thì ở Việt Nam, có lẽ ít một triển lãm nào đặt ra cuộc tương chiếu - tương liên trực tiếp như triển lãm 12 con giáp, khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây, diễn ra ngay tại Trung tâm nghệ thuật của Ana Mandara Đà Lạt, với các biệt thự Pháp cổ có tuổi đời 100 năm, thu hút rất đông người xem.
"Tôi rất mừng là ngoài sự trở về gần đây của dòng tranh Đông Dương lưu lạc của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, các danh họa: Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… từ nước ngoài, thì việc xuất hiện thêm dòng tranh Đông Dương được "chia sẻ" từ chính các nhà sưu tập trong nước, là tín hiệu đáng mừng. Nếu như trước kia, tranh quý thường bị "giam" bởi một số nhà sưu tập thì nay họ đã biết chia bớt cho công chúng, tạo cơ hội cho giới mỹ thuật và người yêu tranh quý có dịp tiếp cận và có cách sở hữu. Khi có nhiều nhà nghiên cứu, giám tuyển mới tham dự vào còn giúp cho việc hiểu biết về các danh họa và tác phẩm càng thêm phong phú", nhà sưu tập Lý Đợi nhấn mạnh.
CÁT (Tổng hợp)
Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật Việt ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn.