UOB PAINTING OF THE YEAR KHỞI ĐỘNG MÙA THỨ BA: ĐƯA MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT RA CHÂU Á

UOB PAINTING OF THE YEAR KHỞI ĐỘNG MÙA THỨ BA: ĐƯA MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT RA CHÂU Á

UOB Painting of the Year (UOB POY) là một trong số ít cuộc thi hội họa tầm châu Á sẵn sàng tạo cơ hội cho các tài năng hội họa thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính nghệ thuật, không chỉ ở cả cấp quốc gia mà còn vươn ra khu vực.

 

Trải qua 3 năm tổ chức, cuộc thi đã cho thấy những đóng góp vào sự phát triển của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Ngày 7/5, Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức buổi Khai mạc Triển lãm các tác phẩm thắng giải Cuộc thi UOB Painting of the Year (UOB POY) năm thứ hai tại Việt Nam (2024) và Tọa đàm nghệ thuật “Đương đại trên nền di sản” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi UOB POY năm thứ ba tại Việt Nam, chính thức được khởi động từ ngày 7/5, chào đón bài dự thi của các nghệ sĩ trên toàn quốc, tạo cơ hội cho các tài năng hội họa thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính nghệ thuật ở cả vòng thi cấp quốc gia và khu vực.

 

Các nghệ sĩ chia sẻ về xu hướng thực hành nghệ thuật đương đại kế thừa di sản mỹ thuật Việt Nam trong 100 năm qua cũng như lối đi trong tương lai cho các họa sĩ Việt trên hành trình vươn tầm quốc tế.

 

Cuộc thi thường niên UOB POY lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào năm 1982 với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Đông Nam Á và mang đến cho họ cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Đây là cuộc thi nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore và là một trong những cuộc thi danh tiếng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ khi ra đời cho đến nay, cuộc thi đã giúp phát hiện ra hơn 1.100 tài năng nghệ thuật trên toàn khu vực.

 

“Flow” (Dòng Chảy)
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Việt Cường
Chất liệu: Than đá, bột gạo và keo trên toan
Kích thước: 150 x 150 (cm)

Tác phẩm sử dụng hai vật liệu bản địa là than đá Quảng Ninh và bột gạo từ đồng bằng sông Cửu Long để kể câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên của hai nền công-nông nghiệp Bắc-Nam. Nghệ sĩ đã tinh tế kết hợp hai vật liệu này để tạo nên bức tranh thủy mặc đương đại, mang hiệu ứng trừu tượng của địa hình thạch nhũ, nhấn mạnh sự đối thoại giữa đen và trắng, sáng và tối. Đây là một đại tự sự về sự giao thoa giữa các ngành công-nông nghiệp và ảnh hưởng của chúng lên cảnh quan thiên nhiên cũng như tập quán nhân sinh bản địa.

Về tác giả:
Nguyễn Việt Cường (sn. 1989) lớn lên tại Kiên Giang. Cường tốt nghiệp cử nhân hội họa trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM. Tính thẩm mỹ trong nghệ thuật của Cường song hành với tính đương đại, anh vận dụng chất liệu để đối thoại với hiện thực. Với tinh thần phản kháng nhị nguyên và quan niệm về sự dịch chuyển của tự nhiên, anh đang tiếp tục mở ra những tường thuật mới mẻ từ cốt lõi của những vật liệu thô, để khơi gợi sự phản tư những chất liệu vốn dĩ đã ăn sâu vào ký ức chung, đời sống chung của Sài Gòn đô hội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Cuộc thi sau đó được mở rộng sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Và kể từ năm 2023, các nghệ sĩ Việt chính thức được tham gia vào mạng lưới UOB POY khi cuộc thi lần đầu được tổ chức tại Việt Nam.

 

“Xếp máy bay”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Văn Hè
Chất liệu: Sơn mài trên gỗ công nghiệp
Kích thước: 177 x 117 (cm)

Tác phẩm khởi nguồn từ mạch sống của người nghệ sĩ đã sinh ra và lớn lên tại chiến khu Hòa Mỹ, Huế, nơi những trò chơi trẻ thơ gắn liền với chấn thương từ việc dò mìn hậu chiến để mưu sinh. Tác giả tỉ mỉ thu gom những mảnh vỡ thời chiến—những tấm ván ép, để mài, cắt ghép tái hiện hình ảnh máy bay giấy ngây ngô. Những dấu tích chiến tranh hiện diện qua các lớp sơn, kim loại, và họa tiết loang lổ, tạo nên một thông điệp sâu sắc về sự mất mát vĩnh viễn của tuổi thơ hồn nhiên.

Về tác giả:
Nguyễn Văn Hè (sn. 1981), tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, là một nghệ sỹ đương đại. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu chiến, anh thể hiện mối quan tâm sâu sắc với các ký ức và các tàn dư của thời chiến và luôn truy vấn các cảm xúc, suy tư của thế hệ tiếp nối về vòng luân hồi của các xung đột và chiến tranh. Với chủ đề này, thực hành của anh trải dài từ hội họa, điêu khắc, trình diễn tới sắp đặt; anh kiên trì thu thập các mảnh vỡ, phế liệu từ chiến khu quân đội hay các khu tàn tích địa phương.

 

Sau hai năm tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ trẻ lẫn các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên khắp cả nước. Cuộc thi mùa thứ hai (năm 2024) đã vinh danh 6 nghệ sĩ Việt tài năng ở hai hạng mục Nghệ sĩ triển vọng và Nghệ sĩ thành danh, trong đó giải thưởng cao nhất UOB Painting of the Year đã thuộc về họa sĩ Nguyễn Việt Cường với tác phẩm Dòng Chảy và giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm đã được trao cho Họa sĩ Phan Tú Trân với tác phẩm Doraeco.

 

“Xâm thực”
Tác giả: Họa sĩ Ngô Văn Sắc
Chất liệu: Đốt gỗ và tổng hợp trên gỗ
Kích thước: 172 x 170 (cm)

Tác phẩm khám phá trải nghiệm của nghệ sĩ trong các chuyến điền dã dọc bờ biển Việt Nam, nơi anh chứng kiến sự xâm lấn của biển, chặt phá rừng và ảnh hưởng của việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong. Sử dụng kỹ thuật cắt và đốt ván gỗ kết hợp với vẽ và in, tác giả tạo ra một hình ảnh đa chiều, thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên. Hình ảnh sóng nước và con người từ nhiều vùng miền hòa quyện, phản ánh sự phản kháng của thiên nhiên, đồng thời chất vấn cách con người đối xử với môi trường.

Về tác giả:
Ngô Văn Sắc (sn. 1980), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã định hình tiếng nói nghệ thuật độc đáo của mình qua kỹ thuật đốt gỗ. Khi cảm thấy chưa hài lòng những tác phẩm ban đầu trên gỗ, anh quyết định đốt chúng, từ đó khám phá ra một hướng đi mới. Sự kết hợp giữa lửa và gỗ đã giúp anh lột tả những cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc.

 

Theo ban tổ chức, UOB POY mùa ba sẽ chính thức mở cổng nhận bài dự thi từ 7/5 đến hết ngày 1/8. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội cho các nghệ sĩ Việt thỏa sức sáng tạo. Cuộc thi dành cho tất cả các đối tượng là công dân và thường trú nhân Việt Nam và không tốn phí tham gia. Tác phẩm dự thi được yêu cầu là các tác phẩm nguyên bản được sáng tác trong vòng hai năm trở lại đây và chưa từng được trao giải ở một cuộc thi khác. Mỗi nghệ sĩ tham gia được gửi dự thi một tác phẩm duy nhất với kích thước được khuyến nghị không quá 180 cm mỗi chiều.

 

“Nhật ký 2024”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Đức Niệm
Chất liệu: Lụa và acrylic trên toan
Kích thước: 60 x 60 (cm)

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những trang nhật ký, những dòng cảm xúc bị che giấu trong cuốn sổ tay của nghệ sĩ. Lớp màu xanh che phủ đi chiếc phong bì ẩn dụ cho những khúc mắc, hay những điều thầm kín đang bị làm nhòe hay tô đè lên. Trên phong thư, dòng chữ "From: Niệm 25 To: Niệm 24" như một lời gửi gắm tới bản thân của một năm trước, gợi lên sự hoài niệm về những khoảnh khắc đã qua. Các kí tự về chữ và số được thực hiện theo quy tắc riêng, là một tuyên ngôn của chính nghệ sỹ về việc muốn những tâm tư của mình được viết ra nhưng chưa chắc đã cần được thấu hiểu.

Về tác giả:
Nguyễn Đức Niệm (1999) là một nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp chuyên ngành hội họa, trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế năm 2022. Mối quan tâm của anh xoay quanh những di tích lịch sử, những khung cảnh quen thuộc đời thường trong cuộc sống để qua đó lồng ghép, gửi gắm những bộc bạch của cá nhân vào tác phẩm.

 

Hội đồng giám khảo của cuộc thi năm nay bao gồm các tên tuổi họa sĩ nổi tiếng và các chuyên gia hàng đầu về hội họa, bao gồm: Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo; họa sĩ Lê Thừa Tiến; họa sĩ Đỗ Hoàng Tường; bà Pamela Nguyen Corey, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, tập trung vào khu vực Đông Nam Á, Đại học Fulbright Việt Nam.

 

“Doraeco”
Tác giả: Họa sĩ Phan Tú Trân
Chất liệu: Tổng hợp trên vải nhung đỏ, ván nhựa durabo và thổi bóng bảo vệ bằng vật liệu epoxy
Kích thước: 98 x 107 (cm)

Tác phẩm gồm sáu lá bài xếp trên mặt bàn casino, trong đó mỗi lá đại diện cho một khía cạnh khác nhau của ô nhiễm sinh thái: đất (J rô), nước (Q cơ), không khí (K bích), năng lượng (Q chuồn). Lá bài Joker, với sự bối rối của Doraemon, ẩn dụ cho xung đột giữa tiến bộ công nghệ và hậu quả môi trường. Chưa được lật, lá bài cuối cùng ám chỉ một tương lai vô định của thế hệ sau khi họ kế thừa cả thành tựu lẫn những hậu quả mà thế hệ trước để lại.

Về tác giả:
Phan Tú Trân (1990) khởi điểm là một họa sĩ minh họa. Hiện tại cô thực hành nghệ thuật chủ yếu qua phong cách phái sinh, tạo nên các ý niệm, tầng lớp mới cho các hình tượng cũ. Cô ưu tiên các thử nghiệm với các chất liệu mới nhằm kể những câu chuyện vui tươi, đời thường tới công chúng.

 

 

Những người đạt giải cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ ba tại Việt Nam sẽ được công bố tại buổi lễ trao giải và các bức tranh đạt giải sẽ được trưng bày tại một buổi triển lãm mở cho cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10.

 

“Quý cô trong vườn”
Tác giả: Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng
Chất liệu: Sơn mài trên toan
Kích thước: 150x150 (cm)

Lấy cảm hứng từ thể loại tranh pin-up, tác giả sử dụng hình ảnh người mẫu trên áp phích và tạp chí lối sống kết hợp với các họa tiết trang trí trong lịch sử kiến trúc của Việt Nam. Những đường nét kỷ hà mang hơi hướng phương Tây kết hợp với đường cong mềm mại của phương Đông khéo léo tạo ra nhiều lớp không gian khác nhau. Việc pha trộn này phản ánh sự hội nhập và xung đột đang diễn ra giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, và sự ảnh hưởng của nó lên các giá trị xã hội và thái độ cốt lõi. Quá trình ấy hối thúc những trăn trở về chất lượng văn hóa, xã hội, đạo đức cũng như nghệ thuật, qua đó thúc đẩy năng lượng sáng tạo của nghệ sĩ.

 

Người chiến thắng cao nhất tại Việt Nam sẽ giành được giải thưởng trị giá 500 triệu đồng và có cơ hội tranh giải thưởng danh giá UOB Painting of the Year khu vực Đông Nam Á với giải thưởng tiền mặt trị giá 13.000 đô la Singapore cũng như cơ hội được lựa chọn tham gia vào một chương trình lưu trú nghệ thuật đặc biệt. Buổi lễ trao giải cấp khu vực sẽ được diễn ra tại Singapore vào tháng 11. Tác phẩm thắng giải cao nhất tại Việt Nam ở hai hạng mục Triển vọng và Thành danh sẽ được triển lãm tại Phòng trưng bày Quốc gia Singapore.

 

“Đối diện”
Tác giả: Họa sĩ Lưu Tuyền
Chất liệu: Mica và sơn dầu trên toan
Kích thước: 90 x 105 (cm)

Tác phẩm tập trung vào việc truy tìm danh tính lịch sử, văn hóa, và di sản đang dần bị xoá mờ trong đời sống đương đại. Nghệ sĩ sử dụng tấm gương cũ để tái tạo và kết hợp với hình ảnh “Chính Bắc Môn” – Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long với lỗ thủng trên tường thành – vết thương của lịch sử – trở thành điểm nhấn. Gam màu tương phản và cách biểu hiện không gian mang tính siêu hình tạo nên một trạng thái ký ức mơ hồ, luôn biến đổi. Đây là một cuộc đối thoại với ký ức tập thể, nơi quá khứ và hiện tại cùng hiện diện, khuyến khích ta suy ngẫm về cách mình đối diện với di sản dân tộc.

 

Chia sẻ quan điểm về xu hướng thực hành nghệ thuật đương đại kế thừa di sản mỹ thuật Việt Nam trong 100 năm qua cũng như lối đi trong tương lai cho các họa sĩ Việt trên hành trình vươn tầm quốc tế, đặc biệt thông qua các sân chơi uy tín khu vực như UOB POY, họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thời là Trưởng ban Giám khảo cuộc thi UOB POY 2024 - 2025 chia sẻ: “Việt Nam luôn có chỗ đứng xứng đáng không hề thua kém so với khu vực về cả số lượng nghệ sĩ và chất lượng tác phẩm. Yếu tố quan trọng nhất là tác phẩm phải toát ra được vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của thẩm mỹ cùng với vẻ đẹp của thời đại. Nếu hội tụ được ba yếu tố này, tôi tin rằng ở mùa thứ ba, nghệ sĩ Việt sẽ khẳng định tên tuổi và đạt được những kết quả cao trong vòng thi khu vực”.



Với mục tiêu quảng bá mỹ thuật Việt Nam và mang tên tuổi các nghệ sĩ tài năng của UOB POY đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật ở miền Bắc, 6 tác phẩm thắng giải ở hai hạng mục Nghệ sĩ Thành danh và Nghệ sĩ triển vọng cùng 5 tác phẩm chung khảo UOB POY mùa hai (2024) được trưng bày trong một Triển lãm mở cho công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 7/5 đến hết ngày 19/5.

 

 

MÂY (Tổng hợp)