CHECK-IN KHÔNG GIAN MỸ THUẬT VIỆT - BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Phó Đức Chính, quận 1
Thời gian mở cửa: 8 - 17h (thứ hai - Chủ nhật)
Giá vé: 30.000 đồng/vé
Giá vé dành cho học sinh, sinh viên: 15.000VND
Trẻ em dưới 6 tuổi và người lớn trên 60 tuổi được miễn phí vé
1. Giới thiệu Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bảo tàng nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Bảo tàng này tập trung vào việc bảo quản và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc truyền thống và đương đại của Việt Nam.
Được thành lập vào năm 1987 và chính thức đi vào hoạt động năm 1989. Bảo tàng này có một bộ sưu tập đa dạng gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, bao gồm các bức tranh, điêu khắc, và các tác phẩm nghệ thuật truyền thống. Đây là một trong những trung tâm mỹ thuật lớn nhất cả nước.
Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tục có các triển lãm tạm thời và sự kiện liên quan đến nghệ thuật mà bạn có thể tham quan.
2. Lịch sử hình thành Bảo tàng
Trước đây khi chưa thành lập bảo tàng, thì chủ tòa nhà này là ông Hứa Bổn Hòa hay còn được gọi là chú Hỏa, là một thương gia người Hoa giàu có và nổi tiếng tại đất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông từng sở hữu rất nhiều căn biệt thự trải khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, gia đình ông đã đóng gió không nhỏ trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.
Ngoài các dinh thự của gia đình, ông còn cho xây dựng nhiều công trình như bệnh viện, chùa chiền,... Một số công trình do ông xây dựng đến nay vẫn đang sử dụng như Bệnh viện Từ Dũ, chùa Phụng Sơn, khách sạn Majestic, bệnh viện đa khoa Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ nằm trên đường Lý Thái Tổ,... và rất nhiều ngân hàng.
Vào năm 1929, chú Hỏa đã cho xây dựng tòa nhà hoành tráng lệ theo thiết kế của ông Rivera một kiến trúc sư người Pháp với sự kết hợp hoàn hảo của kiến trúc Á Đông và Châu Âu. Tòa nhà được hoàn thành vào năm 1934.
Năm 1987, bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tại chính tòa nhà này. Do còn thiếu rất nhiều hiện vật nên mãi đến năm 1992, bảo tàng mới chính thức đi vào hoạt động.
Đến nay, bảo tàng đã trở thành trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam. Là nơi lưu trữ, trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, những món cổ vật, các tác phẩm điêu khắc và hội họa mang giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
3. Di chuyển đến bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh bằng cách nào?
Có nhiều phương tiện di chuyển để đến Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn có thể chọn phương tiện phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Xe buýt: Có nhiều tuyến xe buýt đi ngang qua khu vực Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể tra cứu lịch trình và tuyến đường trên internet hoặc bản đồ xe buýt của thành phố. Một số tuyến xe buýt gợi ý cho bạn có tuyến đường đi qua gần Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh như:
Tuyến số 102: Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây.
Tuyến số 34: Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe buýt Quận 8.
Tuyến số 39: Bến xe buýt Sài Gòn - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây.
Tuyến số 38: Khu dân cư Tân Quy - Bến Thành - Đầm Sen.
Tuyến số D4: Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn.
Tuyến số 03: Bến Thành - Thạnh Lộc.
Tuyến số 04: Bến Thành - An Sương.
Tuyến số 18: Bến Thành - Chợ Hiệp Thành.
Tuyến số 93: Bến Thành – Đại học Nông Lâm.
Tuyến số 96: Bến Thành – Chợ Bình Điền.
Tuyến số 44: Cảng quận 4 - Bình Quới.
Tuyến số 53: Lê Hồng Phong - Đại học Quốc Gia.
Tuyến số 56: Bến xe Chợ Lớn – Đại học Giao thông Vận tải.
4. Khám phá Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
4.1. Kiến trúc bảo tàng
Bảo tàng Mỹ thuật nằm trong khuôn viên có diện tích 3.514m2, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, kết hợp một cách hài hòa giữa hai trường phái mỹ thuật Âu và Á. Ngoài ra, Bảo tàng chính là nơi xuất hiện thang máy đầu tiên tại Sài Gòn, buồng thang máy được làm bằng gỗ có chạm khắc hoa văn tinh xảo và cách điệu như một chiếc kiệu của Trung Quốc. Tuy thang máy đã không còn hoạt động nhưng nó lại mang đến một giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa rất lớn đối với tòa nhà.
Bảo tàng bao gồm 3 tòa nhà nằm sát nhau, tổng cộng có 99 cánh cửa với hệ thống hoa sắt được trang trí công phu. Điểm nhấn của tòa nhà là khu vực lầu 1 có mái che, những chiếc cột lớn đỡ mái và có cầu thang lên xuống ở hai bên. Phần cửa chính vào lầu 1 được thiết kế hình vòm cung, phía trên có hoa văn bằng sắt cách điệu chữ “H.B.H” được viết tắt theo tên của ông Hứa Bổn Hòa. Phía khu vực cổng sau của Bảo tàng có tấm bia khắc tên các thành viên trong gia đình ông.
Tòa nhà với màu sắc chủ đạo là vàng, phần trên mái nhà lợp ngói âm dương màu đỏ kết hợp cùng những viên ngói diềm mái tráng men viền màu xanh lục tạo nên một nét đẹp cổ kính nguy nga giữa lòng Sài Gòn. Các ô cửa sổ được lắp kính màu có hoa văn theo phong cách Châu Âu nằm đối xứng nhau để hứng nắng và gió tỏa sáng cả không gian, tạo nên một khung cảnh nghệ thuật độc đáo. Sàn nhà được lát bằng gạch bông với kiểu dáng hoa văn đa dạng, phong phú, riêng chỉ có cầu thang được lát đá cẩm thạch.
4.2. Bảo tàng có gì?
Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại có hơn 22.000 hiện vật được chia thành nhiều bộ sưu tập quý giá. Hệ thống trưng bày của Bảo tàng được phân chia thành 3 tòa nhà như sau:
Tòa nhà 1: Là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại, với những bộ sưu tập quý giá như Ký họa kháng chiến, tác phẩm từ các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, Gia Định từ trước năm 1975, hay của các tác giả nổi tiếng Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng,...phản ánh được nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ lúc bấy giờ.
Tòa nhà 2: Là nơi trưng bày chuyên đề các tác giả, tác phẩm, các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Tòa nhà này cũng thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi năm đều có từ 10 - 20 đợt trưng bày, trong đó có nhiều triển lãm quốc tế như: tác phẩm của các khối nước ASEAN, tranh của các họa sĩ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Mỹ, Nga,...
Tòa nhà 3: Là nơi trưng bày các hiện vật mỹ thuật cổ - cận đại, được làm từ các chất liệu gốm, gỗ, đá, đồng.
Đối với hiện vật mỹ thuật chất liệu gốm: Bảo tàng trưng bày dòng gốm cổ đặc trưng của Nam Bộ như gốm Sài Gòn, Lái Thiêu, gốm Biên Hòa và một số gốm cổ tìm thấy ở Đồng Nai.
Đối với hiện vật mỹ thuật chất liệu đá: Bảo tàng trưng bày bộ sưu tập các hiện vật điêu khắc cổ Chăm Pa, hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo hay hiện vật thuộc sưu tập điêu khắc cổ Đồng bằng Nam Bộ.
Đối với mỹ thuật chất liệu gỗ: Bảo tàng sưu tập các hiện vật phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng như Tượng phật Khmer Nam bộ, Tượng thờ trong điêu khắc dân gian. Hay các hiện vật mỹ thuật trang trí thờ cúng, đồ gỗ gia dụng, đồ trang trí.
Đối với mỹ thuật chất liệu đồng: Bảo tàng sưu tập các cổ vật đồng với kiểu dáng, ngoại hình phong phú và đa dạng về mỹ thuật. Từ những hiện vật đồng tạo dáng đơn giản cho đến cầu kỳ.
Vào tháng 5/2012, Bảo tàng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.
4.3. Sống ảo tại Bảo tàng
Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một điểm đến cho những người yêu nghệ thuật mà còn là một nơi lý tưởng để chụp ảnh và sống ảo. Kiến trúc độc đáo đủ màu sắc và các tác phẩm nghệ thuật sẽ tạo nên những bức ảnh đẹp và ấn tượng.
Bạn có thể chọn khu vực cửa chính của bảo tàng với phần mái nhà được lợp ngói âm dương, hoặc bên cạnh những ô cửa sổ làm bằng kính màu có trang trí hoa văn bắt mắt, khu vực thang máy mang vẻ đẹp cổ kính, dãy hành lang dài thăm thẳm được lót gạch bông với họa tiết độc đáo hay tại khu vực cầu thang xoáy mang vẻ hoài cổ cuốn hút với đủ màu sắc rực rỡ. Đây là những nơi check in chụp ảnh được rất nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến với Bảo tàng.
Để có được bức ảnh đẹp và lôi cuốn tại Bảo tàng, ngoài chọn được bối cảnh phù hợp bạn cần tận dụng nguồn sáng và góc chụp hoàn hảo. Bên cạnh đó, trang phục là một yếu tố quan trọng quyết định bức hình của bạn có đạt hay không. Nên lựa chọn những trang phục đơn giản với tone màu tươi sáng hay những trang phục cổ điển mang phong cách retro hoặc vintage, khi kết hợp cùng không gian lộng lẫy của tòa nhà sẽ cho ra những shoot hình lung linh, huyền ảo.
5. Lưu ý khi tham quan bảo tàng
Khi đến tham quan Bảo tàng bạn nên chọn những trang phục lịch sự.
Nếu bạn mang theo những món đồ nặng, cồng kềnh như hành lý, vali, túi du lịch,...nên gửi vào khu vực tủ đựng đồ nằm bên phải sảnh chính theo quy định (không nên để tiền và vật quý giá trong hành lý gửi).
Giữ gìn vệ sinh, không gây hư hỏng đến các tác phẩm nghệ thuật, không hút thuốc và làm ồn trong khi tham quan.
Tuyệt đối không mang theo vũ khí, chất gây nổ, chất dễ cháy và chất độc hại gây ô nhiễm vào khuôn viên Bảo tàng.
Tuân thủ các quy định về việc không chụp ảnh hoặc quay video trong khu vực có hướng dẫn rõ ràng. Bảo tàng chỉ cho phép sử dụng điện thoại di động để ghi hình lưu niệm. Nếu quý khách có nhu cầu quay phim, chụp ảnh dịch vụ thì cần liên hệ với nhân viên quầy vé để được hướng dẫn và có tính phí.
Tham quan một cách tự nhiên và tận hưởng không gian nghệ thuật.
6. Những địa điểm du lịch gần Bảo tàng
Khi bạn đã tham quan Bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, có một số bảo tàng khác gần đó bạn có thể ghé thăm:
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Dinh Độc Lập, địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Ngoài ra bạn có thể ghé thăm những điểm du lịch nổi tiếng khác gần đó như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, Chợ Bến Thành, Nhà hát lớn Thành Phố, Phố đi bộ Nguyễn Huệ,...
CÁT (Tổng hợp)
Nếu khách du lịch hay người địa phương muốn tìm hiểu về mỹ thuật của Việt Nam, gợi ý tốt nhất chính là ghé thăm những bảo tàng mỹ thuật nơi đây.