KÝ SỰ CHIẾN TRANH QUA TRANH CỦA HỌA SĨ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG

KÝ SỰ CHIẾN TRANH QUA TRANH CỦA HỌA SĨ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG

Kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 2025) và 100 năm sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925 - 2015), chuỗi triển lãm trong 'Hành trình Huỳnh Phương Đông' do gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông tổ chức.

 

Chọn lọc từ hơn 3.000 tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, đây là đợt triển lãm quy mô lớn nhất từ trước đến nay của họa sĩ, trưng bày hơn 700 tác phẩm tại các địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (ngày 10/4); Nhà trưng bày triển lãm TP Hồ Chí Minh (20/3) và tại một địa điểm đặc biệt (công bố sau, dự kiến ngày 22/4).

 

Bức tranh Cô du kích Củ Chi do Huỳnh Phương Đông vẽ năm 1965.

 

Tên tuổi họa sĩ Huỳnh Phương Đông gắn liền với các sáng tác về kháng chiến và tuyên truyền cách mạng, nhưng khi đến với chuỗi triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông, người xem nhận ra một Huỳnh Phương Đông đa dạng và đa diện, từ các ký họa phong cảnh thời chiến cho đến ký họa phong cảnh thời bình - xây dựng đất nước, từ những con người trong chiến tranh, đi qua chiến tranh và trở về với cuộc sống thường nhật, từ những chuyến đi khắp Việt Nam cho đến các chuyến đi nhiều nước trên thế giới, từ chân dung chỉnh tề cho tới tranh khỏa thân… 

 

Bức tranh có kích thước lớn nhất (hơn 4 m) tái hiện trận chiến Bình Giã trên chất liệu sơn dầu, vẽ năm 2011.Khoảng một nửa trong các tác phẩm trưng bày mang nội dung về thời chiến. Trận Bình Giã (2/12/1964- 3/1/1965) diễn ra tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong kháng chiến chống Mỹ.

Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước trưởng thành của quân giải phóng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
Hai bức tranh bằng màu nước và than chì mô tả lại cảnh giao tranh trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Bức trên được tác giả chú thích là trận đánh trên đường Minh Phụng (nay thuộc quận 6, TP HCM). Dưới là cảnh chiến đấu trên đường Phạm Thế Hiển, ngày 2/5/1968 (nay thuộc quận 8).
Một đoạn phác thảo lại trận Ấp Bắc, diễn ra năm 1963 ở Tiền Giang. Thời điểm diễn ra trận chiến, ông vẫn ở miền Bắc. Sau khi được cử vào miền Nam hoạt động, ông đã nghiên cứu địa hình thực tế và tái hiện trận đánh. Tác phẩm hoàn chỉnh mang tên Trận Ấp Bắc được vẽ năm 1982, chất liệu sơn dầu.

Ấp Bắc là một trong những trận đánh quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Quân Giải phóng với lực lượng nhỏ hơn đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của đối phương, giáng một đòn mạnh vào chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.
Tranh mang tên Ca mổ tại trại David Tân Sơn Nhất, chất liệu màu nước, được vẽ năm 1975.

 

Ông dành cả cuộc đời của mình chỉ để vẽ, đồng thời luôn có ý thức bảo quản tác phẩm, nên ngày nay người yêu mỹ thuật mới có dịp nhìn ngắm hành trình hội họa đầy thú vị của ông.

 

Cuộc họp giấu mặt trong chiến khu bằng chất liệu màu nước và than chì.
Một người đang ngắm tác phẩm vẽ cảnh chiến sĩ ở chiến khu miền đông nghỉ ngơi trong rừng. Không chỉ vẽ những trận đánh quyết liệt, tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông còn khắc họa những phút yên bình của người lính.
Tác phẩm Con người thời chiến trên chất liệu sơn dầu, có chiều dài gần 2 m.
Tranh sơn dầu thể hiện chân dung chiến sĩ Lê Văn Triển trên chiến trường Tây Ninh, ông vẽ năm 1989.
Tác phẩm Đại hội quân nhân sư đoàn 5, sáng tác năm 1965.

Bức ký họa cảnh học tập thời chiến năm 1966, bằng màu nước và than chì.

 

Dịp này, gia đình ông cũng cho ra mắt bộ sách Hành trình Huỳnh Phương Đông giới thiệu hơn 2.500 tác phẩm trong suốt cuộc đời lao động không biết mệt mỏi của người họa sĩ tài hoa.



CÁT (Tổng hợp)