‘MỘT HÀNH TRÌNH’ HỒI SINH TRANH LỤA CỦA BÙI TIẾN TUẤN

‘MỘT HÀNH TRÌNH’ HỒI SINH TRANH LỤA CỦA BÙI TIẾN TUẤN

Nhắc đến tranh lụa đương đại, người ta nghĩ ngay cái tên Bùi Tiến Tuấn. Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, "có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn".

 

Hồi sinh và cách tân tranh lụa

 

Kỷ niệm 30 năm làm nghề, Bùi Tiến Tuấn bày 90 tác phẩm trong triển lãm "Một hành trình" Sann - The house of Art (nhà trưng bày triển lãm TP Hồ Chí Minh). 

Khi còn là sinh viên (những năm 1994 - 1995), Bùi Tiến Tuấn đã tập tành sáng tác, đến nay xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là "Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình/An artistic exploration".

Từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, một số người từ thế hệ Bùi Tiến Tuấn đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. 

Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm hơi cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền, ngay trong trường mỹ thuật cũng hơi bị xem nhẹ. Quan trọng hơn, là do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, để thu hút tầm quan tâm của cộng đồng mỹ thuật.

Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.

 

Thiếu nữ thị thành mong manh, biến hóa

 

Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Họa sĩ Đức Hòa nhìn nhận: "Bùi Tiến Tuấn đã trở thành một trong những tên tuổi sáng giá của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam đương đại. Khác biệt và độc đáo ở chỗ nếu đa số họa sĩ chuyên lụa vẽ nhân vật nữ đứng yên hoặc nằm yên, lặng lẽ và kiều diễm thì Tuấn vẽ nhân vật rất chịu biến hóa, ngả nghiêng và bay lượn thỏa thuê theo các đường hướng táo bạo đầy lãng mạn, tạo hình nhân vật theo chủ kiến của tác giả, có cả 'bóp hình' và 'buông', cả 'co' và 'duỗi', cả 'phình to' và ép gọn thành một nét sắc lẹm hay một điểm nhấn, không chịu bó buộc của sự thật theo mắt nhìn".

 

Còn dưới con mắt của họa sĩ Lương Lưu Biên, "Một hành trình" của Bùi Tiến Tuấn mở ra thế giới tranh lụa đương đại: "Ở thời điểm hiện nay, lụa của Bùi Tiến Tuấn đã khẳng định mình để trở thành một đại diện tiêu biểu của hội họa đương đại miền Nam, sau hơn hai mươi năm say sưa với chất liệu này. 

Trước thời điểm đó, lụa chưa được coi trọng như vậy trong các chất liệu tạo hình, với việc sáng tác và giảng dạy của mình, anh đã góp phần như một trong vài họa sĩ quan trọng mang lại cuộc phục hưng cho lụa, một chất liệu dịu dàng, thanh thoát, gần gũi với tính cách Việt cũng như tinh thần phương Đông. 

 

Bùi Tiến Tuấn có lối tạo hình sang trọng, lả lơi, phù phiếm. Những form dáng được cách điệu, chắt lọc đến đơn giản mà gợi cảm, cộng với những tìm tòi bố cục luôn mới lạ và độc đáo, tất cả mang đến sự cân bằng cho tác phẩm, vừa dịu dàng, mềm mại lại vừa chắc khỏe, hiện đại. Những tác phẩm lụa của anh mong manh, trong trẻo, đôi khi táo bạo một cách hồn nhiên".

Quê hương Hội An đã giúp Bùi Anh Tuấn tiếp thu, cọ xát và gạn lọc được cho mình một tinh thần hội họa vừa truyền thống, vừa đương đại. Truyền thống trong việc tiếp nối những phương pháp vẽ lụa của các thế hệ trước, cũng như sử dụng chất liệu lụa truyền thống quê nhà, đương đại trong chủ đề, cách nhìn con người và lối tạo hình.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi chia sẻ: "Hội họa của Bùi Tiến Tuấn không dừng lại ở sự gợi cảm đơn thuần, mà là sự tôn vinh thân thể trong không gian "sắc không" của vũ trụ. Những nét cọ của anh không hề có sự hối hả của dục vọng mà thấm đẫm sự tĩnh lặng của suy tư, của một sự chiêm nghiệm sâu xa về bản thể".

 

Ở một góc nhìn tinh tế, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhìn nhận: "Có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn, một đô thị mà ta không nhìn thấy nhà cửa hay ánh đèn, nhưng lại cảm nhận được nhịp sống của nó qua từng nhân vật.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

 

Phụ nữ trong tranh của anh là hiện thân của đô thị ấy: Họ vừa đẹp đẽ, quyến rũ, lại vừa mang một chút gì đó xa cách và mơ hồ... Anh tôn vinh vẻ đẹp của họ, nhưng cũng để lại khoảng trống đủ lớn để người xem tự lấp đầy những suy tưởng của mình".



Mây (Tổng hợp)